Kêu gọi chung tay cho Dự án tại Gò Cỏ
Với tình yêu sẵn dành cho Việt Nam, cộng thêm những gì thực mục sở thị tại Xóm Cỏ, Ông Chủ tịch Hội đồng CVĐCTC UNESCO, Tiến sĩ Guy Martini, đã quyết định tự tay viết một dự án để quyên góp tiền nhằm khởi động những việc làm đầu tiên mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị di sản cho người dân làng chài ven biển Sa Huỳnh.
Xóm Cỏ (hay làng Gò Cỏ) là một xóm với hơn 80 hộ dân thuộc thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Xóm Cỏ khá tách biệt với các xóm khác do vị trí địa lý khuất nẻo và đường tiếp cận chưa thuận tiện. Có lẽ vì vậy mà người dân trong xóm còn lưu giữ được khá nguyên vẹn nếp sống thuần hậu, chất phác. Tuy nhiên vì điều kiện canh tác không thuận lợi, nhiều thanh niên đã rời làng đi nơi khác làm ăn nên phần lớn người làng là những người lớn tuổi. Họ gắn bó với làng, quen nếp sinh hoạt, quen nhịp sống thanh bình, kiếm sống chủ yếu từ nghề biển và trồng tỉa trong vườn.
Một điều thú vị là những hình thức sinh hoạt cộng đồng như hát hố, hát bài chòi hay hát bội vẫn được lưu giữ và hiện hữu đậm nét trong đời sống hàng ngày của người dân ở ngôi làng hẻo lánh này. Đặc biệt, hát bài chòi khu vực Trung Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017. Hiện Bộ Văn hoá và các tỉnh đã và đang nỗ lực khôi phục, bảo vệ và phát huy loại hình nghệ thuật này bằng một Chương trình hành động quốc gia. Chưa rõ Chương trình này đã kịp triển khai đến ngôi làng này chưa, nhưng những người nông dân, ngư dân lúc rảnh rỗi lại rất tự nhiên trở thành những nghệ nhân dân gian say sưa biểu diễn bài chòi với những nhạc cụ đa dạng mà họ tự tay tạo tác. Và để tiếp tục lưu truyền nghệ thuật này cho các thế hệ tương lai, vươn ra khỏi phạm vi ngôi làng, họ cần sự giúp sức.
Là một trong những điểm dừng chân của Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, với sự hỗ trợ của một doanh nghiệp tư nhân, những người dân xóm Cỏ đã xây dựng một Hợp tác xã nhằm phát triển du lịch cộng đồng, mong muốn gìn giữ những di sản mà ông cha để lại, mong muốn tạo cơ hội việc làm để giữ các lớp con cháu ở lại với xóm.
Đồng cảm với tâm tư, nguyện vọng của người dân, ủng hộ ý tưởng của người dân xóm Cỏ, trong khi chờ CVĐC Lý Sơn – Sa Huỳnh tiến hành các bước lập hồ sơ trình UNESCO, TS Guy Martini, một trong những ‘cha đẻ’ của mô hình CVĐC trên thế giới, đã viết một dự án kêu gọi sự chung tay của mọi người đóng góp để giúp sớm hiện thực hoá kế hoạch quảng bá, phát huy các giá trị di sản ở ngôi làng này.
Dự án tập trung vào (1) chụp ảnh quảng bá, với sự hỗ trợ của một chuyên gia nhiếp ảnh thuộc Bảo tàng Gassendi-Digne les Bains (Pháp). Những bức ảnh sẽ được lựa chọn để trưng bày, quảng bá trong nước và tại Pháp; (2) phát huy loại hình hát hố, hát bài chòi. Hoạt động này giúp tổ chức một số hoạt động, sân chơi nhằm tái hiện đời sống của loại hình nghệ thuật này và trao truyền cho thế hệ trẻ; và (3) tổ chức hội thi thả diều. Hoạt động này nhằm phục hồi thú tiêu khiển phổ biến ở làng quê Việt Nam. Hơn nữa, hoạt động này còn mong muốn lồng ghép những làn điệu bài chòi, nội dung hát hố và nâng kỹ thuật làm và thả diều lên một tầm cao hơn.
Để tổ chức bài bản những hoạt động này, chắc chắn kinh phí không phải nhỏ và cần sự vào cuộc của nhiều bên liên quan. Nhưng với tâm nguyện của mình, TS Guy Martini mong muốn triển khai những bước đầu ở quy mô nhỏ vào đầu năm 2020, với khởi điểm ở mức 5000 EUR. Chắc chắn những bài học từ những hoạt động này sẽ là kinh nghiệm quý giá cho Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, cho tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương khác trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; triển khai những chương trình, kế hoạch thực sự ở cấp cộng đồng. Hy vọng những kết quả ban đầu sẽ là cơ sở để các bên liên quan nghiên cứu và nhân rộng.
Vì ý nghĩa thiết thực và cao cả của Dự án do TS Guy Martini khởi xướng, sự đóng góp, chia sẻ thông tin của anh chị là hành động cụ thể để góp phần sớm hiện thực hoá các hoạt động này. Thông tin cụ thể và đóng góp cho Dự án này tại
https://www.kisskissbankbank.com/en/projects/co-go-village-project-vietnam-centre