“VÀNG TRẮNG” SA HUỲNH

Sa Huỳnh là địa danh nổi tiếng nằm về phía Nam tỉnh Quảng Ngãi chứa đựng nhiều bí ẩn ngàn đời. Vùng đất này tưởng chừng như thanh bình với cát vàng, biển xanh, nắng ấm. Nhưng thiên nhiên và con người đã từng trải qua  biến thiên của tạo hóa, của lịch sử, để lại những dấu ấn mạnh mẽ, độc đáo. Quá trình va chạm, dịch chuyển các của lớp vỏ trái đất trong lịch sử kiến tạo hàng trăm triệu năm về trước đã tạo ra sự đa dạng địa hình, địa mạo, để lại cho Sa Huỳnh những thắng cảnh làm say lòng du khách. Đây cũng chính là điều kiện hình thành không gian sinh tồn lý tưởng cho lớp cư dân cổ Sa Huỳnh, là nơi chứng kiến những diễn biến sôi động về nền văn hóa Sa Huỳnh hơn 3.000 năm trước. Sa Huỳnh thời tiền sử đã là mảnh đất vàng để con người cư ngụ, phát triển lâu đời, tạo ra di sản địa văn hóa mang tầm quốc tế. Đất Sa Huỳnh từ xưa đã nổi tiếng giàu tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, một trong những minh chứng cho điều này là đồng muối Sa Huỳnh – thứ được cho là “vàng trắng” trong quá khứ. Và cho đến nay, những dấu ấn lịch sử, văn hóa, địa chất vốn có, muối Sa Huỳnh dường như vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Muối đang kết tinh

Trong lịch sử phát triển thế giới, muối là một loại tài nguyên, là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội của các nền văn minh, các quốc gia và dân tộc. Muối đóng vai trò chính yếu trong việc xác lập quyền lực và sự phân bố của các thành phố, thậm chí là quốc gia ở khắp các châu lục. Đã từng có giai đoạn muối được sử dụng là một đơn vị tiền tệ và là hàng hóa có giá trị nhất đối với loài người trong thời kỳ đế chế La Mã cho đến những năm đầu thế kỷXX. Các mỏ muối cũng là nguyên nhân khơi mào chiến tranh những thập kỷ sau công nguyên cho đến khi người ta phát hiện ra việc sử dụng muối để tạo ra vô số các sản phẩm xuất khẩu khác có giá trị cao hơn muối ăn như nông sản, hải sản,..Chính vì những lợi ích cho sức khỏe con người và vai trò quan trọng của nó trong mọi khía cạnh của xã hội, muối cũng là một tài sản quý giá mà đối với Việt Nam cũng không ngoại lệ. Muối luôn là món hàng hóa được quan tâm hàng đầu từ thuở khai thiên lập địa cho mãi đến những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ác liệt và cuối thế kỷ XX. Con đường muối được hình thành từ vùng ven biển lên đến khắp các ngõ ngách của vùng trung du, các tỉnh Tây Nguyên như một con đường giao thương sôi động giữa miền xuôi và miền ngược. Cánh đồng muối Sa Huỳnh cũng từng là nơi cung cấp muối cho đồng bào miền trung du, miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi. Muối luôn thiếu, luôn là sự khao khát của các tộc người vùng núi cao và nó thậm chí còn quý hơn vàng. Từng dòng người cõng muối lên thượng nguồn để đổi lấy sản vật. Nó có thể dùng để trao đổi những vật phẩm quý giá như tê giác, ngà voi, thổ cẩm, mật ong rừng,…cho đến những nhu yếu phẩm cơ bản nhất.

Quang cảnh đồng muối Sa Huỳnh

Theo các chuyên gia sử học, cánh đồng muối Sa Huỳnh được hình thành từ cuối thế kỷ XIX. Đây là vựa muối nổi tiếng ở miền Trung, có diện tích hơn 110 ha, với gần 600 hộ diêm dân sản xuất, sản lượng khoảng 7.000 tấn mỗi năm. Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, hoạt động sản xuất muối Sa Huỳnh được quản lý chặt chẽ, muối được vận chuyển, phân phối qua đường bộ, đường sắt và xuất khẩu như một loại hàng hóa đắt đỏ, độc quyền trong tay người Pháp. Tất cả các hoạt động mua bán, sản xuất muối tự do đều bị cho là bất hợp pháp. Cánh đồng muối Sa Huỳnh đã tồn tại và phát triển cùng với quá trình dựng nước, giữ nước; là chứng nhân lịch sử trong diễn tiến kinh tế, xã hội đầy biến động từ nhiều thế kỷ trước.

Muối đang được thu hoạch

Ngày nay, muối không còn là món hàng xa xỉ, thậm chí nó còn bị định giá rẻ mạt, thị trường muối lao đao, khiến diêm dân Sa Huỳnh phải khốn đốn, thậm chí bỏ nghề vì không đủ sống từ đồng muối của mình. Tuy nhiên, giá trị thương hiệu của muối Sa Huỳnh từ trong quá khứ đến hiện tại là không thể chối bỏ. Nó mang ý nghĩa quan trọng về mặt di sản văn hóa, là chủ đề cần được nghiên cứu gắn với những nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, Chăm Pa và con đường muối lịch sử. Cánh đồng muối Sa Huỳnh hiện nằm trong đầm nước mặn, cạnh cửa biển Sa Huỳnh, đồng thời thuộc khu vực trung tâm của Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh. Đây là làng nghề ghi dấu bản sắc văn hóa bản địa, là một sản phẩm du lịch đầy triển vọng mang đến sự thịnh vượng trở lại cho diêm dân Sa Huỳnh. Cánh đồng muối Sa Huỳnh đang nhận được sự quan tâm nghiên cứu của các chuyên gia sử học, khảo cổ học. Có nhiều giả thiết về mối quan hệ của đầm nước mặn với không gian văn hóa của người Sa Huỳnh 3.000 năm về trước. Đồng thời, câu hỏi: có hay không sự liên hệ giữa con đường muối và các dấu vết lịch sử về sự giao lưu văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa với vùng phía Tây Quảng Ngãi thông qua con đường giao thương này cũng cần được tìm ra câu trả lời.

Muối Sa Huỳnh đã được đăng ký nhãn hiệu và có thương hiệu nổi tiếng 

Có nhiều lý do khiến muối Sa Huỳnh dường như vẫn chưa thực sự được phát huy toàn diện giá trị thực vốn có. Tuy nhiên, Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh là động lực giúp mang những bản sắc văn hóa đến gần hơn với du khách như một sản phẩm du lịch có giá trị cao. Những sản phẩm làng nghề sẽ có cơ hội được khoát lên tấm áo mới, không phải quá phụ thuộc vào biến động của thị trường, giúp con người sáng tạo ra nhiều sản phảm ứng dụng hơn từ những sản vật của địa phương. Và muối Sa Huỳnh cũng không ngoại lệ. Nhu cầu của du khách sẽ giúp cho các sản phẩm ứng dụng từ muối Sa Huỳnh có cơ hội lên ngôi. Những lợi ích của muối cho sức khỏe, sắc đẹp của con người; một số ứng dụng về lĩnh vực nghệ thuật, giải trí,…từ muối biển sẽ là chủ đề hấp dẫn cho ra đời những sản phẩm du lịch bản địa thu hút trong tương lai, biến nó thành “vàng trắng” đích thực.

NGUYỄN THỊ DIỄM KIỀU

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *