Đường đá dẫn ra biển Gò Cỏ
Thấy làng… lấp lánh, họ sẽ quay về
Cơn lốc đô thị hóa khiến hàng nghìn ngôi làng đang mất dần cái chất thuần quê. Nhưng Gò Cỏ chẳng đua đòi, xưa giờ có sao chịu vậy. Làng không karaoke, không loa kẹo kéo xập xình, không tiệm cơm, tiệm nét, quán nhậu, không cả dịch vụ tiệc cưới, sinh nhật, spa. Nhà nghỉ, khách sạn cũng không luôn. Những cái “không” ấy khiến Gò Cỏ như cô gái quê luôn e ấp, dịu dàng. Mở cửa rước phố vào làng là rước cái diêm dúa, ồn ào. Gò Cỏ sẽ hỏng ngay. Hãy giữ Gò Cỏ trong veo, nhuần nhị, phảng phất cái duyên thầm như cô Tư vừa hát: Ai phơi cái dải yếm đào/Để cái bờ rào cũng muốn tương tư.
Sinh viên nước ngoài dạo chơi trong làng Gò Cỏ
Người Gò Cỏ ai cũng ý thức rằng làng mình đang làm du lịch. Bà Bùi Thị Vân nói chắc nịch: “Làng hiện nay đa số là người già. Nhưng tôi tin lớp trẻ Gò Cỏ đang làm ăn xa sẽ trở về khi biết làng mình làm du lịch”. Cùng suy nghĩ đó, ông Đoàn Sung cũng cho rằng người Gò Cỏ không biết làng họ có cái gì nên họ ra đi. Nhưng khi thấy làng… lấp lánh thì họ sẽ quay về.
Văn hóa đá và kiến trúc đá
Làng cổ Gò Cỏ nhìn đâu cũng thấy đá. Người Sa Huỳnh cổ dùng đá dựng tường rào ngăn thú dữ, bảo vệ vườn tược, làm mương thủy lợi, làm bờ kè giữ đất. Công trình nào cũng vừa vững chãi vừa thẩm mỹ. “Thập loại chúng sinh” đá với đá lớn, đá nhỏ, đá vuông, đá tròn… khi đặt bên nhau đều kín kẽ, trùng khít, bằng phẳng một cách đáng kinh ngạc. Đường đá dẫn về phía biển. Đường đá dẫn đến đền thờ, dinh xưa, miếu cổ rêu phong. Đường đá tìm mọi cách nối nhà nhau thành xóm thành làng. Nhiều du khách đã lặng người khi đứng trước những giếng cổ bằng đá có tuổi đời cả mấy trăm năm. Đây là những giếng khơi, phần nhiều không còn nước nhưng vẫn được người Gò Cỏ gìn giữ như những sản vật linh thiêng.
Giếng cổ trong vườn trái cây